Từ lâu, hình ảnh chiếc áo bà ba và khăn rằn đã đồng hành cùng người phụ nữ miền Tây như một y phục đặc trưng cho sự mộc mạc, thuần khiết và toát lên tính cách đôn hậu, dung dị khiến bao du khách say lòng.
Khăn rằn có nguồn gốc từ người Khmer (tiếng Khmer đọc là krama) và trong quá trình cộng cư của các dân tộc trên vùng đất đồng bằng sông Cửu Long, nó đã được chuyển thành thứ trang phục đặc trưng. Chiếc khăn rằn thường có hai màu đen và trắng hoặc nâu và trắng. Hai màu này đan chéo nhau, tạo thành ô vuông nhỏ, trải dài khắp mặt khăn và có lẽ các lằn ngang dọc ấy là gốc gác của tên gọi khăn rằn. Chiếc khăn rằn có chiều dài khoảng 1,2m, rộng chừng 40–50 cm, không cầu kỳ, sặc sỡ mà bình dị, đơn giản.
Ngày xưa, phải đợi đến Tết Trung Thu gia đình tôi mới được thưởng thức chiếc bánh pía thơm ngon mà mỗi người chỉ được nếm một phần tư chiếc bánh do cuộc sống còn thiếu thốn. Ăn xong rồi mà mùi vị béo thơm của chiếc bánh vẫn còn đọng lại trên đầu lưỡi. Ngày đó tôi chỉ ước rằng mình có tiền để có thể ăn được gấp nhiều lần hơn nữa. Bánh pía ngày xưa được làm khá đơn giản, vỏ ngoài làm bằng bột mì có nhiều lớp da mỏng bao lấy phần nhân, lớp da ngoài dày thường để in chữ màu đỏ nổi bật, nhân làm bằng đậu xanh và mỡ heo.
Chiếc bánh xèo xuất hiện trong cả ẩm thực miền Trung lẫn miền Nam với nhiều sự khác biệt. Bánh xèo miền Nam làm say lòng nhiều thực khách với vẻ ngoài to vàng đầy đặn, khi ăn có thể cảm nhận được vỏ bánh giòn béo cùng vị ngọt tự nhiên từ rau và tôm thịt của nhân bánh. Một chiếc bánh xèo miền Nam ngon và tròn vị được chế biến từ những nguyên liệu sẵn có ở địa phương, giản dị nhưng đầy cuốn hút.
Cảnh ghe, xuồng tấp nập trên bến dưới thuyền miền quê nào cũng có, song có lẽ không đâu sánh bằng những khu chợ nổi chen chúc ghe thuyền như ở miền Tây, đặc biệt là chợ nổi Cái Răng Cần Thơ. Từ 3-4 giờ sáng, âm thanh ghe tàu hòa vào tiếng người mua, người bán làm không khí thật náo nhiệt dù lúc này có lẽ vẫn còn nhiều người đang say giấc.
Mùa lễ hội Ok Om Bok hằng năm không thể thiếu sự rộn ràng của cuộc thi đua ghe ngo. Mặt sông yên lặng thường ngày nay trở nên sôi động bởi những nhịp chèo đều tay của những đội thi đấu cùng tiếng hò reo cổ vũ nhiệt tình của khán giả hai bên bờ sông.
Đua ghe ngo là môn thể thao đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng và chính xác của tất cả các thành viên trong đội. Mỗi chiếc ghe ngo dài trên 30 mét có sức chứa một đội hơn 50 tay chèo, có đầu, đuôi ghe cong và thân được sơn nhiều màu sắc sặc sỡ. Hoa văn trên chiếc ghe ngo cùng đồng phục của các đội thi khiến cho mặt sông trở nên sinh động đầy màu sắc.